Giới thiệu sản phẩm Loa di động Bluetooth JBL Pulse 2 (nhiều màu)
Vẫn mang triết lý "loa vừa có thể nghe nhạc, vừa là một công cụ trình diễn ánh sáng đẹp mắt", nhưng so với phiên bản đầu tiên thì chiếc loa di động JBL Pulse 2 được hãng tiến hành nhiều nâng cấp khá đáng chú ý, giúp loa "cứng, liền lạc hơn" về mặt thiết kế, thêm khả năng chống nước, có "con mắt" biết nhận biết màu vật thể gần nó để thay đổi 7 màu sắc tương ứng và đồng bộ với nhịp điệu của bài hát đang phát. Đẹp, đã và cái giá cũng không phải rẻ: 5,29 triệu đồng, không cao so với 199$ chưa thuế ở thị trường Mỹ.
Thông số kỹ thuật cơ bản của loa
- Kích thước 84,2 x 194,4 x 84,2 mm
- Trọng lượng 775g
- Driver: 2 x 45mm
- Công suất: 2 x 8 W
- Tần số đáp ứng: 85Hz - 20kHz
- Pin Li-po 6000 mAh cho thời gian nghe nhạc lên tới 10 tiếng
- Kết nối Bluetooth 4.1
- Hỗ trợ hiển thị ánh sáng 7 màu
- Nhận diện màu sắc bằng cảm biến
- 7 bài trình diễn màu sắc lập trình sẵn
Thiết kế: cứng hơn, liền lạc hơn so với bản cũ, chống nước là một lợi thế
Thiết kế tổng thể của Pulse 2 hình trụ, tương tự như người anh em tiền nhiệm Pulse 1 hoặc Charge. Tuy nhiên toàn bộ các phím điều khiển đã dời xuống dọc theo phần thân.
Về tổng thể thì Pulse 2 vẫn mang thiết kế tổng thể dạng hình ống, tương tự với Pulse 1 cũng như các mẫu loa di động khác của JBL mà điển hình là Charge. Tuy nhiên so với người tiền nhiệm thì Pulse có nhiều thay đổi giúp có bề ngoài cứng cáp hơn. Cặp cổng kết nối AUX và cổng sạc microUSB đã được "giấu" vào bên trong một hốc nhỏ và được che lại bằng nắp cao su. Kín đáo hơn để đạt chuẩn chống nước, tuy nhiên, do làm quá kỹ và quá chặt nên nắp cao su sẽ khó mở hơn, cần phải dùng lực nhiều để mở ra.
Cổng sạc microUSB và cổng 3.5mm được đặt vào một hốc nhỏ lõm vào trong, bên ngoài có nắp cao su đậy lại rất chắc và kín nhằm đảm bảo chống nước (không khuyến khích ngâm nước)
Điểm thay đổi thứ 2 về mặt thiết kế là cụm phím điều khiển vốn dĩ ở phần đỉnh loa đã được dời xuống một dải chạy dọc theo thân loa. Các phím bấm bằng cao su chìm xuống bên dưới, tương đối dễ bấm và hiển thị đèn sáng lên khi được bật. Khu vực điều khiển này cũng được trang bị một mic thoại cho phép nhận cuộc gọi tới và nói chuyện trực tiếp, biến Pulse 2 trở thành một chiếc speaker phone luôn.
Bên dưới lớp lưới bảo vệ là 99 bóng LED cho hiệu ứng trình diễn khá mượt, thể hiện được gradient của màu sắc
Lớp lưới bảo vệ bằng kim loại được bọc sát xung quanh thân loa. Ngay bên dưới là hệ thống 99 đèn LED (so với Pulse phiên bản đầu chỉ có 64 bóng) hiển thị được 7 màu khác nhau là đỏ, cam, vàng, lục, lam, hồng và tím. Khi được phát sáng, ánh đèn sẽ tỏa ra từ đèn bên dưới, qua 1 khoảng cách nhất định rồi với hiển thị lại ở màng vệ bên ngoài. Do màng bảo vệ có các mắc lưới khá nhặt, tạo thành những "điểm ảnh" nhỏ nên nhìn từ xa quá trình biểu diễn, ánh sáng "chuyển động" khá mượt, các màu sắc được thay đổi theo gradient chứ không tách bạch ra.
Con mắt nhận biết màu sắc của JBL Pulse 2, khi dí vào vật nào đó và bấm nút ở phía đối diện, một ánh đèn sẽ sáng lên để đo màu và hiển thị màu tương ứng ở thân loa
Điểm đặc biệt nổi bật nhất trên Pulse 2 chính là "con mắt nhận biết màu sắc" mà hãng gọi là JBL Prism color sensor. Khi muốn loa bắt màu sắc của vật thể nào đó, chúng ta sẽ đưa nó lại gần cảm biến, sau đó nhấn nút ở mặt kia của loa, một ánh đèn trắng sẽ sáng lên khoảng 1 giây và thế là loa sẽ hiểu được màu của vật thể đó. Trong thử nghiệm của mình thì nếu vật thể có sắc thái màu quá phức tạp thì nó chỉ hiển thị tương đối gần chứ không hoàn toàn chính xác được.
2 đầu không vát bằng mà làm theo dạng chân vạc, vừa giúp loa đứng vững, vừa thoát hơi tốt hơn. Khi bass đánh lên, miếng màng loa sẽ di chuyển tới lui cho hiệu ứng khá đẹp mắt
Pulse 2 được thiết kế để hoạt động khi đứng thẳng chứ không thể nằm ngang. Và để làm được điều đó, 2 cạnh ở 2 đầu của loa không vát phẳng và chia thành 3 đoạn lồi lên. Mặc dù phần lồi lên này khá nhỏ nhưng hiệu quả rất lớn, nó giúp hơi bass có đường thoát ra bên ngoài khi đặt đứng loa, đồng thời giúp nó đứng vững hơn nếu đặt trên bề mặt cứng nhưng gồ ghề. Và lõm ở bên trong 2 đầu là màng loa khá "linh động". Khi tiếng bass đánh lên, 2 màng này sẽ chuyển động tịnh tiến, rung lên cho hiệu ứng khá đẹp mắt.
Tuy nhiên, điểm làm mình thấy khó chịu nhất về mặt thiết kế chính là logo JBL màu đỏ ở bề mặt thân loa. Thiết nghĩ nếu họ dời đi chỗ khác hoặc bỏ luôn (trên màng loa đã có chữ JBL to đùng thế thì sao mà nhầm lẫn được) thì có lẽ khi trình diễn ánh sáng sẽ đã hơn, liền lạc hơn và đỡ mất tập trung hơn.
Trình diễn: nhiều công nghệ, "sôi động cả hình lẫn âm"
Ngay khi kết nối bluetooth với điện thoại, chiếc loa "ép" chúng ta cài một ứng dụng có tên là JBL connect - nếu không cài thì mặc định chúng ta chỉ nghe nhạc "chay" chứ không thưởng thức được tính năng trình diễn ánh sáng của Pulse 2. Thông qua ứng dụng này, chúng ta sẽ thay đổi cách mà ánh sáng trình diễn trên mặt loa như "bài" mưa rơi, đồng hồ cát, lửa bập bùng, pháo hoa,...
Những màu sắc có thể được tương tác từ ứng dụng di động, nhiều chế độ lập trình sẵn khá vui mắt và đẹp
Cũng bằng ứng dụng, chúng ta sẽ tùy chọn cách mà loa đổi màu. Mỗi lần dò màu bằng nút bấm thủ công, trong 1 số chế độ thì loa sẽ lần lượt ghi nhớ lại và hiển thị các màu đã bắt được trên thân loa luôn chứ không đơn màu. Khá là hay. Các bài biểu diễn ánh sáng bằng loa khá hay và vui vẻ, phần lớn đều cho chúng ta tương tác với nó như vẽ hình lên, cho thiên thạch bay xuống, điều chỉnh độ lớn của lửa hoặc tốc độ mưa rơi,... khá là vui.
Mặt khác, loa còn gỗ trợ chúng ta ghép đôi nó với các sản phẩm khác của hãng để phát nhạc 2 kênh độc lập. Đồng thời, nếu đó là loa có hiển thị ánh sáng giống như Pulse 2 thì cả 2 sẽ được đồng bộ về màu sắc luôn.
Cuối cùng thì mình xin nói sơ qua về khả năng trình diễn âm thanh của Pulse 2 (chỉ là những nhận định sơ bộ của cá nhân mình sau thời gian trải nghiệm khoảng 1 ngày, chưa đủ nhiều để có các đánh giá sâu hơn). Mình thường hay dùng từ "bạo lực kiểu Mỹ" để chỉ những chiếc loa có tỷ lệ âm lượng/kích thước lớn và điều đó tương đối đúng đối với chiếc loa JBL Pulse 2 này. So với người anh em tiền nhiệm, nó rõ ràng là mạnh hơn về mặt thông số: driver 45mm so với 40 mm và công suất cũng lớn hơn, 8 so với 6 W như trước đây.
Chúng ta có tiếng bass ở những bài nhạc sôi động giàu về lượng, chắc và nhanh, dứt khoát. Tuy nhiên bass theo mình là chưa đủ sâu trong một số tình huống. Mặc dù được làm ra để sôi động nhưng nhịp bass và tiết tấu trong các bài bolero vẫn được Pulse 2 giữ và thể hiện khá tốt, chất giọng ca sĩ vẫn được thể hiện đầy đủ và tương đối ngọt. Nếu như bass là một lợi thế của Pulse 2 trong các tình huống party mini ở nhà, phát nhạc khi đi chơi ngoài trời,... thì có lẽ do tập trung năng lượng quá nhiều vào bass nên các dải âm khác mà đặc biệt là âm cao có sự thiếu hụt năng lượng. Không đến nỗi lấn át các dải khác nhưng về độ chi tiết thì chưa thể hiện tốt sự tách bạch trong âm thanh.
Dải âm cao chưa đủ năng lượng để thể hiện sự tốt và điều đó thể hiện rõ qua các bài nhạc hòa tấu. Âu cũng là điều dễ hiểu khi mà Pulse 2 được làm ra để "lên sàn" chứ không phải là để "hiền". Một điểm bất cập nữa là như nhiều mẫu loa khác, âm thanh của Pulse 2 sẽ bị méo ở mức âm lượng cao (khoảng trên 70%) và khi đó, chỉ còn là tiếng bass. Tuy nhiên, nếu không bắt loa làm trái với mục đích tạo ra thì nó thật sự đã làm khá tốt vai trò "cảm xúc rộn ràng, nhịp đập của cuộc sống" (pulse)
Hãy Để Lại Thông Tin Để Được ITVPLUS Gọi Điện Tư Vấn Thêm!