Giới thiệu sản phẩm Loa di động Bluetooth JBL Charge 3 (nhiều màu)
To hơn, thiết kế cứng cáp, chắc chắn hơn, củ loa lớn hơn cho âm lượng cao hơn, chất lượng âm thanh được cải tiến hơn, thời lượng pin lâu hơn, chất lượng kết nối cao cấp hơn,... là một vài điểm "hơn" ở mẫu loa di động chống nước JBL Charge 3 so với 2 phiên bản đời trước của nó là Charge 2 và Charge 2+. Ở mức giá khoảng 150 đô la, ở Việt Nam là 3,9 triệu đồng, ngoại trừ đặc điểm khó thay đổi là bị méo, rè ở mức âm lượng cực đại thì đây vẫn là một chiếc loa khá đáng cân nhắc cùng với các đối thủ khác như UE Boom 2 hoặc Sony Extra Bass.
Thông số kỹ thuật cơ bản của JBL Charge 3:
- Kích thước 213 x 87 x 88,5mm
- Cân nặng: 800 gram
- Củ loa 2 x 50mm
- Tần số đáp ứng 65Hz-20kHz
- Pin 6000 mAh
- Sạc được cho điện thoại
- Mic khử echo, khử noise
- Kết nối 3.5mm, Bluetooth
Ưu điểm:
- Hoàn thiện tốt, chắc chắn, cứng cáp
- Chống nước đáng tin cậy
- Âm lượng lớn
- Chất âm ấm, có cải thiện so với phiên bản trước
- P/P ở mức tốt
- Sạc được cho điện thoại
Nhược điểm:
- Nút điều khiển khó phân biệt
- Vỡ, rè ở mức âm lượng cực đại
Thiết kế chắc chắn, một phiên bản thu nhỏ của Xtreme hơn là đàn em của Charge 2
Cầm JBL Charge 3 trên tay thì suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu mình chính là "sao giống JBL Extreme quá vậy!" Thật sự, lớp màng bảo vệ bên ngoài dạng lưới sắt ở 2 mặt giống như trên các mẫu Charge hoặc thậm chí là Pusle trước đây không còn, thay vào đó là một lớp vải sợi đan giống như trên mẫu JBL Xtreme.
Tất nhiên, ngoại hình thì giống nhưng Charge 3 nhỏ hơn khá nhiều so với Xtreme. Tuy nhiên ở bản nâng cấp lần này thì kích thước của loa lại to hơn so với dòng trước là Charge 2 hoặc Charge 2+. Và nhờ đó, thời lượng pin cũng tăng lên, đồng thời cũng năng hơn 2 mẫu trước. Phía trước là logo JBL màu cam thần thánh. Cá nhân mình nghĩ thì nếu bỏ đi luôn sẽ cho cảm giác liền lạc và đơn giản hơn nhiều.
Thay vì phần cụm nút điều khiển được đặt trên một dải cao su ở đỉnh loa như trước đây thì bây giờ chỉ còn lại một dải cao su nhỏ chứa nút nguồn và pair, còn các phím tăng giảm âm lượng, kết nối bluetooth, nhận cuộc gọi đều được bố trí ngay trên phần vỏ bọc vải đan luôn. Các nút được hoàn thiện bằng cao su lồi lên trên bề mặt loa. Tuy nhiên nó được làm gần như trùng màu với loa nên ban đầu sẽ khá khó để nhận biết được.
Ở 2 bên mặt hông của loa là 2 màng loa và trên đó cũng lại có logo JBL. Lớp màng này được đặt lõm vào bên trong, khi đánh nhạc lên thì nó sẽ di chuyển tịnh tiến tới lui tạo hiệu ứng khá là vui mắt. Đồng thời, nếu để ý thì phần rãnh ở cạnh bên loa được làm lồi lõm và mục đích chính là để thoát hơi khi cho loa hoạt động ở chế độ đứng thẳng. Khá là tiện.
Ở cạnh bên dưới loa là một phần đế bằng cao su, khá to và cho cảm giác chắc chắn mặc dù theo mình thì phần hoa văn bên dưới không được đặc sắc cho lắm. Trên phần đế là các đèn báo pin của loa.
Nối liền với phần chân đế cao su là khu vực cổng kết nối được đặt đằng sau nắp cao su. Nắp được đậy rất khít và cho cảm giác an toàn với chuẩn chống nước IPX7 của loa. Mở ra thì các kết nối cũng khá đơn giản, bao gồm lỗ cắm 3.5, cổng sạc microUSB, cổng USB sạc cho các máy khác với nguồn ra 2A. Và nếu chú ý thì trước khi chụp ảnh, mình đã thử nhúng nước chiếc loa này và khi mở nắp ra thì khu vực này vẫn hoàn toàn khô ráo, chứng tỏ khả năng bảo vệ của nắp là rất tốt.
Âm lượng lớn hơn, ấm hơn Charge 2 nhưng tổng thể âm không có nhiều khác biệt
Điểm đáng chú ý nhất ở Charge 3 chính là chúng ta có mức âm lượng lớn hơn khá rõ rệt so với người đàn anh trước đây là Charge 2 và Charge 2+. Cũng là điều dễ hiểu khi mà với kích thước lớn hơn, chúng ta có nhiều không gian để đặt củ loa to hơn, pin cũng nhiều hơn và hệ quả cuối cùng là cường độ âm thanh cực đại cũng sẽ được tăng lên. Nhìn chung, âm của Charge 3 có vẻ ấm hơn so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, đặc điểm cố hữu của những chiếc loa chống nước khiến cho nền âm có xu hướng tối đi một chút và trong một phép so sánh thì tối hơn là Sony SRS-XB3 mà mình trên tay cách đây không lâu.
Mặc dù được trang bị củ loa lớn hơn, tuy nhiên bass của Charge 3 vẫn được kiểm soát khá tốt và so với mẫu Charge 2 thì là có sự cải thiện nhất định về chất lượng bass. Bass được đánh nhanh hơn, dứt khoát hơn và cũng được đưa xuống sâu hơn một chút. Tuy nhiên, ở mức âm lượng từ 80 trở lên thì chúng ta bắt đầu có hiện tượng hơi vỡ khi mà gần như công suất sắp được vắt kiệt, loa trở nên gồng hơn và rung lên. Tương tự như bass, treble cũng được đầu tư cho mức năng lượng khá phù hợp, không quá harsh và cũng không quá yếu đuối, cho cảm giác khá dễ chịu. Và cuối cùng, mid tương đối ấm, độ chi tiết ở mức khá.
Với mức giá khoảng 3,9 triệu đồng, ở nước ngoài là tầm 100 đô la, theo mình những gì JBL Charge 3 thể hiện được là khá tốt trong tầm giá của nó, nói cách khác là hiệu năng/giá ở mức khá tốt. Chúng ta có loa được thiết kế chắc chắn, cứng cáp, hoàn thiện tốt, chống nước IPX7 đáng tin cậy, thời lượng pin lâu, sạc được cho máy khác, âm lượng lớn và chất âm có cải thiện ở mức độ nhất định so với 2 người tiền nhiệm, nếu chấp nhận bỏ qua một vài lỗi nhỏ về mặt thiết kế thì đây vẫn là mẫu loa khá đáng quan tâm ở các mẫu loa di động dưới 4 triệu đồng.
Hãy Để Lại Thông Tin Để Được ITVPLUS Gọi Điện Tư Vấn Thêm!