Tìm hiểu Miracast: giao thức truyền nội dung không dây của tương lai
Tìm hiểu Miracast: giao thức truyền nội dung không dây của tương lai
Nhờ được xây dựng trên giao thức Wi-Fi Direct, Miracast không cần tới bất kì kết nối mạng không dây khác để truyền dữ liệu. Miracast có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương thức truyền nội dung không dây khác như DLNA hay WiDi, AirPlay.
Nếu theo dõi sát sao tin tức công nghệ thời gian gần đây, bạn sẽ nghe nói tới thuật ngữ Miracast. Hiểu sơ qua, là một giao thức truyền nội dung không dây cho phép bạn truyền nội dung từ thiết bị này đến 1 thiết bị khác. Miracast do tổ chức liên minh WiFi (WiFi Alliance) phát triển và được xem là câu trả lời của liên minh WiFi Alliance dành cho AirPlay Mirroring và Wi-Di - các giao thức truyền nội dung không dây tương tự đến từ Apple và Intel. Vậy Miracast là gì và nó có gì đáng chú ý, chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Miracast là gì?
Như đã nói, Miracast là một giao thức truyền nội dung không dây do tổ chức có tên liên minh WiFi (WiFi Alliance) thành lập nên. Miracast cho phép chúng ta truyền nội dung từ 1 thiết bị này sang thiết bị khác, ví dụ như kết nối để sử dụng smartphone của Samsung trên màn hình ngoài do Sony sản xuất, chia sẻ màn hình laptop lên máy chiếu theo thời gian thực...
Điểm mạnh của Miracast
Truyền nội dung không dây không còn là một khái niệm mới. Trước đây, các thiết bị đã có rất nhiều phương thức truyền nội dung này như
DLNA. Kiểu giải pháp này cho phép bạn xem nội dung 1 tập tin được lưu trong 1 thiết bị này trên màn hình ngoài. Tuy nhiên, DLNA bị giới hạn trong phạm vi các tập tin đa phương tiện như phim, video hay ảnh. DLNA cũng có xu hướng gây khó khăn cho việc thiết lập và đòi hỏi thiết bị phải có kết nối không dây, đòi mật khẩu hay yêu cầu phải có các ứng dụng chuyên dụng để kết nối.
Chúng ta cũng có thể kết nối các thiết bị với màn hình ngoài bằng cách dùng các kết nối có dây như HDMI hay Mobile High Definition Link (MHL). Ưu điểm của các kết nối này là bạn có thể kết nối toàn bộ nội dung trên thiết bị lên màn hình, không bị giới hạn như DLNA. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, đây là kết nối yêu cầu phải có dây dẫn, không thuận tiện với người dùng.
Miracast dường như là giải pháp kết hợp DLNA và HDMI nói trên. Nó là giải pháp không dây giúp stream màn hình từ 1 thiết bị di động đến màn hình ngoài, giống như HDMI nhưng không cần dây cáp. Bạn cũng không cần đến phải có 1 mạng không dây riêng biệt cho cả 2 thiết bị để có thể kết nối. Miracast được xây dựng trên giao thức Wi-Fi Direct để truyền dữ liệu (Wi-Fi Direct là một chuẩn cho phép các thiết bị WiFi kết nối với nhau mà không cần đến điểm truy cập không dây - một thiết bị cho phép các thiết bị không dây kết nối với mạng có dây thông qua WiFi, Bluetooth hay các chuẩn tương tự). Miracast cũng không cần phải thiết lập mật khẩu nên kết nối diễn ra rất nhanh chóng. Nói cụ thể hơn, bạn chỉ cần 1 chiếc smartphone (hay tablet) có chứng nhận Miracast và 1 chiếc TV cũng có chứng nhận này, bạn có thể kết nối smartphone của mình với TV, không cần đến mạng internet hay bất kì một thiết bị hỗ trợ nào khác.
Như đã nói, kết nối Miracast chỉ có thể thực hiện trên các thiết bị hỗ trợ có chứng nhận nó. Tuy nhiên, nếu bạn muốn stream nhạc hay phim từ một thiết bị có hỗ trợ Miracast đến 1 thiết bị không hỗ trợ, bạn có thể sử dụng một bộ chuyển (adapter) Miracast và kết nối adapter này vào cổng HDMI hay USB của thiết bị không hỗ trợ. Lúc đó, 2 thiết bị vẫn sẽ nhận ra nhau theo chuẩn này.
Số thiết bị hỗ trợ?
Ở thời điểm hiện tại, số thiết bị hỗ trợ Miracast là không nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian không xa, số thiết bị hỗ trợ Miracast sẽ nhanh chóng tăng lên. Samsung trước đây từng tích hợp Miracast vào Galaxy S III. Trong tương lai, công ty Hàn Quốc sẽ mang nó lên các HDTV dòng Echo-P Series. Google vừa qua cũng đưa Miracast vào hệ điều hành Android 4.2 cùng các sản phẩm Nexus mới như LG Nexus và Nexus 10. Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới chúng ta sẽ được thấy rất nhiều sản phẩm có dán nhãn tương thích Miracast xuất hiện trên thị trường khi mà Sony, LG và nhiều công ty khác đã cùng bắt tay nhau hỗ trợ cho chuẩn này. LG cho biết Miracast sẽ được tích hợp vào các TV của họ vào năm sau.
So sánh với WiDi và AirPlay
Để thấy rõ lợi ích to lớn của Miracast, chúng ta hãy so sánh nó với 2 đối thủ là WiDi và AirPlay. WiDi và AirPlay cũng là những giao thức truyền nội dung không dây giống như Miracast, nhưng chỉ khác là chúng được phát triển bởi các công ty riêng biệt. Cụ thể hơn, WiDi và AirPlay là sản phẩm độc quyền của Intel (WiDi) và Apple (AirPlay). Chỉ các thiết bị của Apple mới có thể tryền (broadcast) được tín hiệu AirPlay và chỉ có Apple TV mới nhận được sóng. WiDi bị giới hạn trên các laptop dùng chip Core của Intel. Ngoài ra, bạn còn phải mua thêm Adapter giá khoảng 100 USD để dùng được WiDi của nhà sản xuất chip. Các công nghệ này còn được cho chỉ là "không dây" phần nào đó chứ không hoàn toàn như Miracast, bởi cả WiDi và AirPlay phải cần tới một box ngoài kết nối với TV qua cáp HDMI.
Tựu chung lại, Miracast xem ra rất lý tưởng. Nhưng liệu nó có thành công hay không và bản thân công nghệ này có hạn chế gì không, chúng ta sẽ bàn tới trong bài viết sau.
Tham khảo: GenK